[GDKTPL11] – Chủ đề 3. Thị trường lao động và việc làm

NỘI DUNG BÀI HỌC

Bài 5. Thị trường lao động và việc làm

1 Lao động và thị trường lao động

a) Khái niệm lao động

– Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu của đời sống xã hội.

– Trong hoạt động sản xuất, lao động được coi là yếu tố đầu vào, ảnh hưởng tới chi phí tương tự như việc sử dụng các yếu tố sản xuất khác. Lực lượng lao động là một bộ phận của dân số, là người được hưởng thụ lợi ích của quá trình phát triển.

– Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

b) Thị trường lao động

– Thị trường lao động (hoặc thị trường sức lao động) là nơi thực hiện các quan hệ xã hội giữa người bán sức lao động (người lao động làm thuê) và người mua sức lao động (người sử dụng sức lao động), thông qua các hình thức thỏa thuận về giá cả (tiền công, tiền lương) và các điều kiện làm việc khác, trên cơ sở một hợp đồng lao động bằng văn bản, bằng miệng, hoặc thông qua các dạng hợp đồng hay thỏa thuận khác.

– Thị trường lao động được cấu thành bởi ba yếu tố: cung, cầu và giá cả sức lao động. Thị trường lao động có thể hoạt động hiệu quả khi các quyền tự do mua, bán sức lao động được đảm bảo bằng luật pháp và hệ thống các chính sách liên quan đến quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia thị trường.

2 Việc làm và thị trường việc làm

– Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập và không bị pháp luật cấm, có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người, giúp duy trì và cải thiện cuộc sống. Mỗi người có thể làm nhiều việc khác nhau: có việc làm chính thức (việc làm toàn thời gian) hay việc làm không chính thức (việc làm bán thời gian).

– Thị trường việc làm là nơi gặp gỡ, trao đổi mua bán hàng hóa việc làm giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng như xác định mức tiền công của người lao động trong từng thời kỳ nhất định.

– Thị trường việc làm kết nối cung – cầu lao động trên thị trường thông qua các phiên giao dịch việc làm, các trung tâm môi giới và giới thiệu việc làm, các thông tin tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng…. để cung cấp thông tin cụ thể về doanh nghiệp, nhu cầu, mức lương tuyển dụng, giúp người lao động có thông tin, tiếp cận được đến các cơ sở có nhu cầu tuyển dụng để tìm kiếm được việc làm.

3. Mối quan hệ giữa thị trường lao động và thị trường việc làm

– Thị trường lao động và thị trường việc làm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

– Thông qua các dịch vụ kết nối nhà tuyển dụng và người lao động, thị trường việc làm giúp người lao động tìm được chỗ làm phù hợp, người sử dụng lao động tìm được người thích hợp, giúp cho thị trường lao động nhanh chóng đạt đến trạng thái cân bằng cung – cầu lao động.

4. Xu hướng tuyển dụng lao động của thị trường

– Thị trường lao động ở Việt Nam đang nổi lên 4 xu hướng:

+ Gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ;

+ Chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm;

+ Lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế;

+ Xu hướng lao động “phi chính thức” gia tăng.

– Xu hướng tuyển dụng trên thị trường lao động luôn gắn liền với chiến lược, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước cùng với những yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

– Bởi vậy, để có được việc làm phù hợp, học sinh cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp, trau dồi các kỹ năng, nắm được xu hướng phát triển của thị trường lao động, tự đánh giá sở trường, nguyện vọng và điều kiện của bản thân để lựa chọn, định hướng nghề nghiệp.