[GDKTPL10] – Chủ đề 3. Ngân sách nhà nước và thuế

NỘI DUNG BÀI HỌC

Bài 5. Ngân sách nhà nước

1 Khái niệm, đặc điểm của ngân sách nhà nước

a) Ngân sách nhà nước là gì?

– Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết đính để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nưởc. (Khoản 14 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015).

b) Đặc điểm của ngân sách nhà nước

– Ngân sách nhà nước mang tính pháp lí cao. Việc tạo lập và sử dụng ngân sách nhà nước được tiến hành trên cơ sở Luật Ngân sách nhà nước.

– Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền sở hữu và quyết định các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước.

– Ngân sách nhà nước hướng tới mục tiêu giải quyết các quan hệ lợi ích chung trong xã hội.

– Ngân sách nhà nước được chia thành nhiều quỹ nhỏ có tác dụng riêng để chi dùng cho những mục đích đã có trong kế hoạch.

– Hoạt động thu, chi của ngân sách nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc không hoàn trả trực tiếp.

2 Vai trò của ngân sách nhà nước

– Cung cấp nguồn tài chính để duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước.

– Định hướng phát triển sản xuất vào những vùng, lĩnh vực cần thiết để hình thành cơ cấu kinh tế hợp lí.

– Là công cụ điều tiết thị trường, bình ổn giả cả, kiềm chế lạm phát.

– Là công cụ điều tiết thu nhập qua thuế và quỹ phúc lợi xã hội.

– Tạo lập quỹ dự trữ quốc gia để phòng chống thiên tai, dịch bệnh…. và một số nhiệm vụ đột xuất, cấp thiết.

– Là công cụ mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy nhanh quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế.

3 Quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện ngân sách nhà nước

– Công dân có quyền:

+ Được sử dụng hàng hóa, dịch vụ công cộng và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

+ Được cung cấp thông tin, tham gia giám sát cộng đồng về tài chính – ngân sách theo quy định của pháp luật.

– Công dân có nghĩa vụ:

+ Sử dụng ngân sách nhà nước đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.

+ Nộp các khoản vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Bài 6. Thuế

1 Thuế và vai trò của thuế

a) Thuế là gì?

– Thuế là khoản thu bắt buộc mang tính cưỡng chế bằng sức mạnh của nhà nước mà các chủ thể kinh tế có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định.

b) Vai trò của thuế

Thuế có các vai trò:

– Thuế là nguồn thu chính của ngân sách nhà nước.

– Thuế là công cụ quan trọng để nhà nước điều tiết thị trường. Qua thuế, nhà nước hướng dẫn tiêu dùng theo hướng tích cực, bảo vệ thị trường trong nước.

– Thuế góp phần điều tiết thu nhập, thực hiện công bằng xã hội, đảm bảo cân bằng lợi ích trong xã hội.

2 Một số loại thuế phổ biến

– Thuế trực thu là loại thuế điều tiết trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế. Thuế trực thu có:

+ Thuế thu nhập doanh nghiệp

+ Thuế thu nhập cá nhân.

+ …

 

– Thuế gián thu là thuế điều tiết gián tiếp thông qua giá cả hàng hoá, dịch vụ. Thuế gián thu có:

+ Thuế giá trị gia tăng

+ Thuế tiêu thụ đặc biệt

+ Thuế xuất khẩu, nhập khẩu

+ Thuế bảo vệ môi trường.

+ …

3 Quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân

– Công dân có nghĩa vụ khai và nộp thuế đầy đủ, trung thực, đúng thời hạn.

– Công dân được hưởng lợi ích từ thuế qua các hàng hoá, dịch vụ công cộng do nhà nước cung cấp.

– Những thông tin về thuế có trong Luật Quản lí thuế năm 2019 và các luật, nghi định về thuế có liên quan.