[GDKTPL10] – Chủ đề 2. Thị trường và cơ chế thị trường

NỘI DUNG BÀI HỌC

Bài 3. Thị trường

1 Khái niệm thị trường

– Theo nghĩa hẹp, thị trường là nơi diễn ra hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá.

– Theo nghĩa rộng, thị trường là lĩnh vực trao đổi, mua bán mà ở đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại lẫn nhau để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ.

– Các yếu tố cấu thành thị trường gồm:

+ Người mua – người bán

+ Hàng hoá – tiền tệ

+ Quan hệ mua – bán

+ Giá cả – giá trị

+ Cung – cầu hàng hoá.

2 Các loại thị trường

– Theo đối tượng giao dịch, mua bán, có thị trường các loại hàng hóa và dịch vụ như: thị trường lúa gạo, thị trường dầu mỏ, thị trường tiền tệ,…

– Theo vai trò của các đối tượng mua bán, giao dịch, có thị trường tư liệu sản xuất, thị trường tư liệu tiêu dùng, thị trường lao động, thị trường khoa học – công nghệ,…

– Theo phạm vi của quan hệ mua bán, giao dịch, có thị trường trong nước và thị trường quốc tế,…

– Theo tính chất và cơ chế vận hành có: thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường cạnh tranh không hoàn hảo,…

3 Các chức năng cơ bản của thị trường

– Thị trường có 3 chức năng chủ yếu:

+ Chức năng thừa nhận: Thị trường thừa nhận công dụng xã hội của hàng hoá và lao động đã hao phí để sản xuất ra nó, thông qua việc hàng hoá có bán được hay không và bán với giá như thế nào.

+ Chức năng thông tin: Thị trường cung cấp thông tin cho người sản xuất và người tiêu dùng thông qua những biến động của nhu cầu xã hội về số lượng, chất lượng, chủng loại, cơ cấu các loại hàng hóa, giá cả, tình hình cung – cầu về các loại hàng hóa,…

 

+ Chức năng điều tiết, kích thích: Trên cơ sở những thông tin thu được từ thị trường, người sản xuất và người tiêu dùng sẽ có những ứng xử, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với sự biến đổi của thị trường, nhờ đó sản xuất và tiêu dùng được kích thích hoặc hạn chế.

Bài 4. Cơ chế thị trường

1 Cơ chế thị trường

a) Khái niệm cơ chế thị trường

– Cơ chế thị trường là hệ thống các quan hệ kinh tế mang tính tự điều chỉnh tuân theo yêu cầu của các quy luật kinh tế như quy luật cạnh tranh, cung cầu, giá cả, lợi nhuận…. chi phối hoạt động của các chủ thể kinh tế, đóng vai trò như bàn tay vô hình điều tiết nền kinh tế.

b) Ưu điểm của cơ chế thị trường

– Cơ chế thị trường có một số ưu điểm cơ bản:

+ Kích thích tính năng động, sáng tạo của các chủ thể kinh tế, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

+ Phân bổ lại nguồn lực kinh tế, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu, lợi ích của các chủ thể kinh tế.

+ Thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của con người, từ đó thúc đẩy tiến bộ, văn minh xã hội.

c) Nhược điểm của cơ chế thị trường

– Cơ chế thị trường tồn tại một số nhược điểm vốn có sau:

+ Tiềm ẩn rủi ro, khủng hoảng, suy thoái.

+ Phát sinh những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng.

+ Không tự khắc phục được hiện tượng phân hoá sâu sắc trong xã hội.

=> Nhà nước cần tăng cường quản lí vĩ mô nền kinh tế để khắc phục, hạn chế nhược điềm của cơ chế thị trường.

2 Giá cả thị trường

a) Khái niệm giá cả thị trường

– Giá cả hàng hoá là sổ tiền phải trả cho một hàng hoá để bù đắp những chi phí sản xuất và lưu thông hàng hoá đó.

– Giá cả thị trường là giá bán thực tế của hàng hoá trên thị trường hay giá cả hàng hoá được thoả thuận giữa người mua và người bán.

b) Chức năng của giá cả thị trường

– Cung cấp thông tin: để các chủ thể kinh tế đưa ra những quyết định mở rộng hay thu hẹp sản xuất, tăng hay giảm tiêu dùng.

– Phân bổ nguồn lực: góp phần điều tiết quy mô sản xuất, cân đối cung – cầu.

– Là công cụ để nhà nước thực hiện quản lí, kích thích, điều tiết nền kinh tế.