[GDKTPL10] – Chủ đề 1. Nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế

NỘI DUNG BÀI HỌC

BÀI 1. Các hoạt động kinh tế cơ bản trong đời sống xã hội

1 Hoạt động sản xuất

– Hoạt động sản xuất là hoạt động con người sử dụng các yếu tố sản xuất để tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội.

– Hoạt động sản xuất đóng vai trò là hoạt động cơ bản nhất trong các hoạt động của con người, quyết định đến các hoạt động phân phối – trao đổi, tiêu dùng.

2 Hoạt động phân phối trao đổi

– Phân phối là hoạt động phân chia các yếu tố sản xuất cho các ngành sản xuất. các đơn vị sản xuất khác nhau để tạo ra sản phẩm (phân phối cho sản xuất) và phân chia kết quả sản xuất cho tiêu dùng (phân phối cho tiêu dùng).

– Trao đổi là hoạt động đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng (bao gồm cả tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cho sinh hoạt).

– Phân phối – trao đổi đóng vai trò trung gian, là cầu nối sản xuất với tiêu dùng. Phân phối thúc đẩy sản xuất phát triền nếu quan hệ phân phối phù hợp đồng thời có thể kìm hãm sản xuất và tiêu dùng khi nó không phù hợp. Trao đổi giúp người sản xuất bán được hàng, duy trì và phát triển được hoạt động sản xuất và người tiêu dùng mua được thứ mình cần, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

3 Hoạt động tiêu dùng

– Tiêu dùng là hoạt động con người sử dụng các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

– Tiêu dùng được coi là mục đích của sản xuất, như đơn đặt hàng của xã hội đối với sản xuất; Tiêu dùng còn giữ vai trò là căn cứ quan trọng để xác định số lượng, cơ cấu, chất lượng, hình thức sản phẩm. Vì vậy, tiêu dùng tác động mạnh mẽ đối với sản xuất theo hai hướng: thúc đẩy mở rộng sản xuất nếu sản phầm tiêu thụ được và ngược lại, sản xuất sẽ suy giảm khi sản phẩm khó tiêu thụ.

– Trong đời sống xã hội, các hoạt động: sản xuất, phân phối – trao đổi, tiêu dùng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong mối quan hệ đó, sản xuất là gốc, có vai trò quyết định; tiêu dùng là mục đích, là động lực của sản xuất, còn phân phối và trao đồi là cầu nối sản xuất với tiêu dùng, có tác động đến cả sản xuất và tiêu dùng.

Bài 2. Các chủ thể của nền kinh tế

1. Chủ thể sản xuất

– Chủ thể sản xuất là những người sản xuất cung cấp hàng hoá, dịch vụ ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Chủ thể sản xuất gồm các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

– Chủ thể sản xuất có vai trò: sử dụng các yếu tố sản xuất để sản xuất, kinh doanh và thu lợi nhuận. Họ không chỉ thoả mãn nhu cầu hiện tại của xã hội mà còn tạo ra và phục vụ cho những nhu cầu trong tương lai với mục tiêu lợi nhuận tối đa trong điều kiện nguồn lực có hạn. Vì vậy, chủ thể sản xuất luôn phải quan tâm đến việc lựa chọn sản xuất hàng hoá nào, số lượng bao nhiêu, sản xuất bằng cách nào để đạt hiệu quả. Chủ thể sản xuất còn phài có trách nhiệm đối với con người – cung cấp những hàng hóa, dịch vụ không làm tổn hại tới sức khỏe và lợi ích của con người trong xã hội.

2 Chủ thể tiêu dùng

– Chủ thể tiêu dùng là người mua hàng hoá, dịch vụ để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng cho sinh hoạt, sản xuất,…

– Chủ thể tiêu dùng có vai trò định hướng, tạo động lực cho sản xuất phát triển, có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội.

3 Chủ thể trung gian

– Các chủ thể trung gian là các cá nhân, tổ chức đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa các chủ thể sản xuất, tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường (như: các thương nhân chuyên phân phối hàng hoá, nhà môi giới chứng khoán, môi giới bất động sản, giới thiệu việc làm,…).

– Họ có vai trò ngày càng quan trọng, là cầu nối, cung cấp thông tin trong các quan hệ mua – bán, sản xuất – tiêu dùng,… giúp nền kinh tế linh hoạt, hiệu quả hơn.

4 Chủ thể nhà nước

– Là chủ thể trong nển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước có vai trò quản lí nền kinh tế thống qua thực hiện chức năng quản lí nhà nước về kinh tế:

+ Nhà nước tạo môi trường pháp lí thuận lợi và đảm bảo ổn định chính trị – xã hội cho sự phát triền kinh tế.

+ Nhà nước tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế như xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, ban hành các chính sách, trực tiếp đầu tư vào một số lĩnh vực để dẫn dắt nền kinh tế phát triển theo mục tiêu; xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất, kết cấu hạ tầng xã hội, phát triển và kinh doanh những dịch vụ công cộng như bảo đảm an ninh, quốc phòng, tài chính, tín dụng, năng lượng, giao thông, viễn thông,…; khắc phục những bất ổn trong nền kinh tế như khủng hoảng, thất nghiệp, lạm phát,…

+ Thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa.